Tính cách con người Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở phương Đông có sự đồng nhất gần như tuyệt đối về dân tộc và ngôn ngữ: một dân tộc, một ngôn ngữ. Nó là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất tạo ra sức mạnh đoàn kết và tinh thần dân tộc cao cả. Văn hóa Nhật Bản là nền văn hóa tự bản thân mang tính thống nhất cao. Đó là văn hóa mang sức mạnh của một dân tộc thống nhất. Chính cái đó đã tạo nên cái gọi là tinh thần dân tộc Nhật Bản.
Người Nhật có tính kỉ luật rất cao. Đặc điểm này có căn nguyên từ môi trường sống không lấy gì làm thuận lợi của họ. Khí hậu Nhật Bản khá khắc nghiệt: mùa đông lạnh giá và tuyết phủ đầy ở miền Bắc, mùa hè nóng nực và nhiều bão gió. Các thiên tai như động đất, núi lửa luôn luôn rình rập. Có thể nói, so với nhiều quốc gia ở châu Á thì Nhật Bản không được trời ban tặng về điều kiện tự nhiên. Hoàn cảnh ấy tạo cho họ sự lạnh lùng, khắc khổ, sẵn sàng đón nhận tất cả những gì khó khăn mà thiên nhiên đưa lại. Người Nhật đã từng phải sống trong những ngôi nhà bằng giấy, có thể dễ dàng dựng lại sau một trận động đất hoặc hỏa hoạn. Người miền Bắc phải muối rau dưa để ăn suốt cả mùa đông v.v... Tính kỉ luật của người Nhật khác hẳn với tính tùy tiện của cư dân nhiều vùng trồng lúa nước ở Đông Nam Á. Chính tính kỉ luật cao ấy đã giúp người Nhật nhanh chóng thích nghi với nền sản xuất công nghiệp hiện đại.
Người Nhật biết hài lòng với những gì họ có, biết thụ hưởng đến tận cùng dù chỉ một khoảng thời gian thư giãn ngắn ngủi. Đặc tính này, suy cho cùng, cũng là do hoàn cảnh sống. Một khi mà thiên nhiên đã không ưu ái họ thì họ phải trân trọng, nâng niu, hài lòng với cái mà họ không dễ gì có được. Và cũng chính vì thế mà họ phải tận hưởng nó đến tận cùng dù chỉ với một thời gian ngắn ngủi.
Người Nhật rất linh hoạt, nhanh nhạy. Do sớm mở cửa, quan hệ với phương Tây, tiếp thu truyền thống văn hóa mang tính thành thị và thương mại, tiếp thu khoa học kĩ thuật của phương Tây, dựa vào tính linh hoạt, nhanh nhạy của mình, người Nhật nhanh chóng tiếp thu các sáng kiến hay, tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến nó rồi đưa vào sản xuất, tung các sản phẩm ra chiếm lĩnh thị trường thế giới. Trong nhiều lĩnh vực, người Nhật không phải là người đầu tiên phát kiến nhưng, hơn cả các nhà phát kiến, họ đã biết đưa các phát kiến lí thuyết trở thành "hàng hóa". Dựa vào phát kiến về máy tính bỏ túi của người Anh, người Nhật đã cải tiến nó và tung ra thị trường thế giới đủ loại máy tính hiện đại. Người Pháp phát minh ra tàu siêu tốc nhưng chính người Nhật đã đưa vận tốc của nó từ 200 km/giờ lên 300 km/giờ.
Duy trì và phát triển giá trị đạo đức của Nho giáo, người Nhật (cũng như người Hàn Quốc) đối xử với nhau theo một tôn ti, trật tự khá nghiêm ngặt: Trật tự trên dưới. Trật tự này được thể hiện ở mọi hệ thống: chính trị (lãnh đạo - nhân viên; lãnh đạo cấp trên - lãnh đạo cấp dưới), công ty (chủ - thợ), gia đình (ông bà - bố mẹ - con cái), v.v... Một đặc tính quí báu nữa của người Nhật là sự trung thành. Ở nhiều công ty, ông chủ đối xử với thợ của mình như là với con cái trong nhà: dựng vợ gả chồng, lo chỗ ăn chỗ ở... Cách ứng xử của người thợ với ông chủ cũng giống như cách ứng xử của người con đối với người cha, của bậc dưới đối với bậc trên. Người thợ có thể gắn cả cuộc đời mình với chủ và công ty. Chínhlực lượng công nhân to lớn giỏi về tay nghề và trung thành tuyệt đối là nhân tố quan trọng đưa các công ty Nhật Bản lên tầm cỡ thế giới. Có thể coi đó là cách ứng xử mang tính nhân văn phương Đông (Khác với tính dân chủ của phương Tây). Người Nhật có đầu óc thực tế. Điều này được thể hiện ở việc không quan tâm nhiều lắm đến những vấn đề lí thuyết quá xa vời mà tập trung vào sản xuất những gì thiết yếu nhất của cuộc sống. Hàng hóa của Nhật Bản "gõ cửa" đến từng gia đình trên khắp hành tinh này. Tuy nhiên đầu óc thực tế của người Nhật rất khác óc thực dụng của người Mĩ.
Người Nhật kiên trì, nhẫn nại, không "đại khái", đã làm là làm đến nơi đến chốn. Người Nhật đã học cái gì là học đến cùng, thậm chí học hết kiến thức của thầy!Gắn liền với tính kiên trì là tính kiên cường và ý thức tự chủ. Đức tính này cũng bắt nguồn từ lịch sử đấu tranh lâu dài và gian khổ của cộng đồng người Nhật với thiên nhiên khắc nghiệt, với núi lửa, động đất, v.v... Nếu không có đức tính kiên cường và ý thức tự chủ, nước Nhật sẽ không thể có sự phục hồi và lớn mạnh sau một cuộc chiến tranh hết sức nặng nề mà Nhật Bản là kẻ bại trận.
Trong cách ứng xử của mình, người Nhật hầu như không khoe khoang, không tỏ ra hơn người. Trong mọi hành vi ứng xử, người Nhật tỏ ra "trung tính". Với họ, cách ứng xử tốt nhất là hòa lẫn với mọi người, không được tỏ ra sắc sảo hơn, giàu có hơn, ăn diện hơn,... nhưng cũng không thể hiện mình là người kém cỏi, nghèo túng,... Cách ứng xử như vậy đã làm giảm những căng thẳng không cần thiết và góp phần hạn chế sự ghen ghét và tính đố kị của con người.
Người Nhật thường dè dặt, khép kín. Khi tiếp xúc với người Nhật, người đối thoại khó biết được người Nhật nghĩ gì, đánh giá, khen chê thế nào,... Chính vì đặc tính này của người Nhật mà "những bí mật" của tập đoàn và của bản thân được bảo vệ, thông tin ít bị "rò rỉ" ra bên ngoài. Người Nhật biết ghìm mình, tránh mọi va chạm và tranh cãi. Thậm chí khi bị hiểu sai, người Nhật cũng không giải thích, phân bua. Đối với người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam chúng ta, người Nhật được xem là người khiêm tốn nhưng cũng đồng thời luôn là một "ẩn số". Từ cung cách nói năng, đến việc luôn luôn cảm ơn, xin lỗi, rồi động tác khoanh tay chào cúi gập lưng,... đều thể hiện một cách ứng xử hết sức mềm mỏng, cẩn trọng, không chỉ không muốn làm người khác mất lòng mà còn luôn tôn vinh họ. Cộng thêm vào đó là tinh thần kiên trì học hỏi. Những phẩm chất đó đã đem đến thành công cho người Nhật.
Những đức tính đó hầu như không thay đổi cho dù xã hội Nhật Bản luôn biến động, đổi thay. Và chính những phẩm chất ấy đã tạo ra một thứ gọi là "tinh thần Nhật Bản" mà toàn thế giới phải khâm phục... Kẻ mạnh trong cuộc sống thì không chịu sự chi phối hoàn toàn nào về vận mệnh của mình, không chịu khuất phục trước những nỗi bất hạnh.
Cuộc đời là những chuỗi khởi đầu. Sự thay đổi, mất mát, bệnh tật và tai họa không phải là kết thúc mà chính là sự khởi đầu. Bởi sau những biến cố đó, chúng ta thay đổi chính nhân sinh quan của mình và cả hoàn cảnh sống. Chúng ta luôn phải bắt đầu lại từ đầu sau những sự kiện đó. Chẳng ai mong nếm trải đau thương, nhưng đã là điều không tránh được nên người Nhật đã học cách chấp nhận và vượt qua chúng. Người Nhật không cam chịu cúi đầu với vận mệnh, họ không chịu đầu hàng trước khó khăn mới có thể chiến thắng khó khăn!
Tags: japan
cái này mà giờ còn áp dụng thì khó chịu lắm, bây giờ là cứ equal hết, I, you...