Địa ngục

VỊ TRÍ CỦA TÁM HẦM ĐẠI ĐỊA NGỤC

Tám hầm Địa đại ngục nằm phía dưới cõi nhân loại, trực hướng với Nam-thiện-bộ-châu (jampūdīpa) tiếp nối với mặt địa cầu. Mặt địa cầu mà nhân loại đang đứng ở đây có bề dày là 240.000 do tuần (1 do tuần = 16km.), phân nửa phía trên là đất, thường gọi là Paṃsupaṭhavī dày 120.000 do tuần, phân nửa phía dưới là đá Gọi là Silāpaṭhavī dày 120.000 do tuần. Cả tám Địa đại ngục này nằm trong phần đất thường, mỗi hầm cách nhau là 1.500 do tuần kể theo thứ tự. Tức là kể từ mặt địa cầu xuống đến Địa đại ngục thứ nhất tên là Sañjīva cách khoảng 1.500 do tuần, từ địa ngục Sañjīva xuống địa ngục lớn thứ hai là Kāḷasutta cách khoảng 1.500 do tuần, từ Kāḷasutta xuống đại địa ngục thứ ba tên là Saṇghāta cách khoảng 1.500 do tuần. Từ đại địangục Saṇghāta xuống Địa đại ngục thứ tư tên là Roruva cách khoảng 1.500 do tuần. Từ địa ngục Roruva xuống đến đại địa ngục thứ năm tên là Mahāroruva cách khoảng 1.500 do tuần, từ đại địa ngục Mahāroruva xuống đến đại địa ngục thứ sáu tên là Tāpana cách khoảng 1.500 do tuần, từ địa ngục Tāpana xuống đến đại địa ngục thứ bảy tên là Mahā tāpana cách khoảng 1.500 do tuần, từ đại địa ngục Mahā tāpana xuống đến đại địa ngục thứ tám tên là Avīci cách khoảng 1.500 do tuần.

Sở dĩ, tám hầm đại địa ngục này nằm phía dưới địa cầu như đã trình bày, là vì khi đến 1.500 do tuần, liền trở thành mỗi một tầng hầm (Umoṅga) theo thứ tự.

Mặt địa cầu dày 240.000 do tuần này, nằm trên tảng băng dầy 480.000 do tuần, tảng băng này nằm trên lớp gió dầy 960.000 do tuần, kế tiếp lớp gió này di chuyển thành hư không, Gọi là Heṭṭhima ajatākāsa (hạ tầng hư không-hư không tầng dưới) hư không ở phía trên từ cõi Phi-tưởng-phi-phi-tưởng trở lên Gọi là Uparima ajatākāsa (thượng tầng hư không-hư không phần trên).

CÂU CHUYỆN VỀ YAMARĀJĀ và NIRAYAPĀLA

Diêm vương này là chúa của loài Ngạ quỉ Vemànikā, có lúc cũng hưởng thọ lạc, tức được ở trong cung điện, có Thiên viên, có những vũ nữ quanh vây ca múa, có lúc cũng bị cảm thọ khổ, chính là quả của nghiệp có trong Địa ngục ấy. như trong uparipaṇṇāsa aṭṭhakathā và Tikaṅguttara aṭṭhakathā có nêu rằng:

Gọi là quả của nghiệp, tức là quả của nghiệp bất thiện, được giải rộng như sau:

Chúa của Ngạ quỉ Vemànika này lúc còn ở nhân loại đã thường tạo nghiệp bất thiện và nghiệp thiện. Sau khi mệnh chung được sanh lên cõi Tứ-Thiên-vương, tái tục bằng tâm quả thiện vô nhân cũng có, bằng tâm quả nhị nhân cũng có, tâm quả tam nhân cũng có, giống như các Chư Thiên Vinipātika đó là do mãnh lực của thiện nghiệp. Bởi vậy chúa của nhóm Ngạ quỉ Vemānika ấy mới có thể chứng đạt Đạo quả được. Còn trong thời bình nhật, cũng có lúc cảm thọ quả thiện, có lúc phải cảm thọ quả bất thiện tương xứng với nghiệp mà mình đã tạo. Chúa của nhóm Ngạ quỉ Vemānika nào đạt được Thánh Đạo rồi, vị chúa của nhóm Ngạ quỉ Vemānika ấy sẽ luôn luôn hưởng thọ lạc của thiện, kể từ lúc đạt được Thánh Đạo trở đi. Xin các học giả nên biết là như vậy.

Trong mỗi hầm đại địa ngục, không phải chỉ có một Diêm vương, mà thật sự có đến bốn vị tại bốn cửa hầm đại địa ngục, vì lẽ ấy, tổng cộng có đến 32 vị Diêm chúa.

Trong cả thảy 8 đại địa ngục ấy, mỗi hầm có 4 cửa, tổng cộng 32 cửa, trong mỗi cửa có 4 hầm địa ngục Unada, tổng cộng có 128 hầm, trong mỗi cửa có một vị Diêm vương, tổng cộng có 32 vị Diêm vương.

Tất cả nhân loại đang sống trong cõi đời này, thường có tánh sai biệt như người sống thiện hạnh, người sống ác hạnh, tâm tánh đa dạng, nơi đây chỉ tóm tắt 4 loại tương xứng với sở hành của mọi người là:

1. Một số người trong thế gian này thích hành thiện.

2. Có một số người trong thế gian này vừa hành thiện cũng vừa hành ác.

3. Có một số người trong thế gian này thường hành ác hơn hành thiện.

4. Có một số người trong thế gian này chỉ chuyên về hành ác.

Cả bốn hạng người này, hạng thứ nhất trong lúc lâm chung thường nhớ đến việc thiện mà mình làm, do đó hạng người này thoát khỏi bốn cõi khổ.

Còn hạng người thứ hai, nếu không tự mình nhớ tưởng đến điều thiện được, có thân quyến nhắc nhở cho nhớ được điều thiện đã làm, cũng có thể giúp cho thoát khỏi khổ cảnh được. Ngoại trừ người ấy, tự mình không nhớ đến điều thiện mà mình đã làm, và cũng không có người thân nào nhắc nhở cho mà chỉ mang nỗi buồn phiền hay hối tiếc. Với tâm trạng như thế, người ấy sẽ không thoát khỏi khổ cảnh được.

Còn hạng người thứ ba, do tự mình tạo bất thiện nghiệp nhiều hơn thiện nghiệp, cho nên khó tưởng đến điều thiện, ngoại trừ nhận được sự giúp đở của người khác, mà người giúp đở này phải hết sức khéo léo, thì người ấy mới có thể thoát khỏi khổ cảnh được, nếu chỉ là sự giúp đở thông thường thì người ấy không thể an trú trong điều thiện được, khi ấy hạng người này chắc chắn rơi vào khổ cảnh.

Còn hạng người thứ tư, thường không thoát khỏi khổ cảnh, ngọi trừ Đức Chánh-Đẳng-Giác, bậc Thượng-Thinh-Văn hoặc bậc Đại-Thinh-Văn mới giúp đở được, và muốn nhận được sự giúp đở từ các vị ấy, người đó phải có Kusala aparāpariyavedaniyakamma "nghiệp có mãnh lực nhiều, tức là thiện nghiệp mà mình thường tạo trong đời quá khứ".

Nếu hạng người này rơi vào Địa ngục, liền rơi thẳng xuống địa ngục, chớ không có dịp gặp Diêm Vương để thẩm vấn.

Còn hạng người thứ hai và thứ ba, nếu bị rơi vào địa ngục, cũng có cơ hội được gặp Diêm Vương, để Diêm chúa sẽ thẩm vấn, gạn hỏi đến 5 vị Thiên Sứ, rồi sau đó mới đi chịu cảnh thọ khổ trong các địa ngục ấy.

Sau khi người ấy rơi xuống Địa ngục, các cai ngục sẽ dẫn người ấy đến gặp Diêm Vương. Câu hỏi của diêm vương về 5 vị Thiên Sứ là:

1. Thiên sứ thứ nhất là sự sanh, sự chào đời của đứa bé.

2. Thiên sứ thứ hai là sự già, tức người già (sống trên đời hay có mặt trên cõi người).

3. Thiên sứ thứ ba là bệnh tật, tức là người bệnh có hiện hữu trên cõi nhân loại.

4. Thiên sứ thứ tư là sự chết, tức là người chết. Sự hiện hữu hiện tượng chết trên cõi nhân loại.

5. Thiên sứ thứ năm là người bị hành tội, tức sự hành hình của pháp luật ở trong nước chẳng hạn như: trộm cắp, cướp bóc, giết người...

Khi Diêm chúa thấy người ấy, bèn nói với họ rằng: "Này người kia! Bây giờ ta sẽ hỏi, khi còn ở trên cõi người, ngươi có từng thấy một đứa trẻ mới sanh ra nằm trên vật nhơ nhớp chăng?

- Chúng sanh tội phạm đáp rằng: Tôi từng thấy.

Diêm vương hỏi tiếp rằng: Khi ngươi thấy đứa bé mới sanh ra như vậy, ngươi có nghĩ rằng: ta đây vẫn còn phải tái sanh nữa, vậy ta phải cố gắng bố thí, trì giới, tu tiến để thoát khỏi sự sanh, khổ do sanh ấy?

Chúng sanh địa ngục ấy, sau khi nghe câu hỏi của Diêm chúa như thế rồi, nếu ngay lúc ấy nhớ lại được thiện sự, thì sẽ thoát khỏi địa ngục ngay và sẽ được sanh lên cõi người hoặc Thiên giới. Nếu trong khi ấy không nhớ được thiện sự, thì đáp rằng: tôi từng thấy đứa bé sanh ra thật, nhưng tôi không có suy nghĩ gì, ngoại trừ thỏa thích vui mừng theo thường tình của thế gian thôi.

Diêm vương bèn phán rằng: "Nếu vậy, đây chính là sự dể duôi của ngươi mặc dầu ngươi đã thấy sự sanh như vậy mà ngươi vẫn vui mừng thoả thích. Sự vui mừng và dễ duôi này khởi lên từ nơi ngươi, không phải do cha mẹ, vợ con, anh em hay bạn bè, thầy tổ hoặc Chư Thiên làm cho ngươi. Vậy chính ngươi phải thọ nhận quả báo mà ngươi đã làm, không có ai thọ nhận thay ngươi được, ngươi đã hành động như thế nào, ngươi sẽ nhận lãnh quả báo như thế ấy".

Rồi Diêm Vương phán tiếp rằng: "Vậy người có từng thấy người già, người bệnh, người chết và kẻ tội phạm chăng?".

Chúng sanh địa ngục ấy đáp rằng: "tôi từng thấy"

Diêm vương phán hỏi tiếp rằng: lúc ngươi thấy người già, người bệnh, người chết hoặc kẻ tội phạm. Ngươi có suy nghĩ rằng chính ta đây cũng bị già, bệnh và chết, ta hãy tinh cần bố thí, trì giới, tu tiến để làm chỗ nương tựa cho chính mình và có thể giúp mình thoát khỏi các sự đau khổ ấy chăng?

Chúng sanh địa ngục ấy, sau khi nghe phán hỏi lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, lần thứ năm. Nếu nhớ được thiện sự thì sẽ trả lời giống như câu trả lời trong Thiên Sứ thứ nhất.

Đối với những người nào, sau khi làm các thiện sự, có hồi hướng phước cho Diêm Vương, sẽ được Diêm Vương cố gắng giúp cho người ấy nhớ lại các Thiên sứ ấy. Vậy người, sau khi tạo phước bố thí, trì giới hay tu tiến rồi, hãy hồi hướng phước báu đến Diêm Vương. Diêm vương sẽ nhớ được, vì đã từng nhận phước nơi người ấy. Nếu người nào sau khi bố thí, trì giới, tu tiến nhưng không có hồi hướng phước đến Diêm chúa. Diêm Vương không thể nhớ được thiện sự của người ấy. Sau khi Diêm Vương gợi ý, mà người ấy vẫn không nhớ được, vẫn ngồi im lặng. Bấy giờ, các cai ngục đem người ấy ra hành tội tùy theo ác nghiệp mà người đó đã làm.

Nếu Diêm Vương nhớ được thiện nghiệp của người ấy, thì sẽ nói lên, người ấy nghe Diêm Vương nói lên như vậy, cũng nhớ được rằng: "ta đã từng bố thí, trì giới, tu tiến như vầy... như vầy... ngay lúc nào nhớ được thiện nghiệp của mình, liền khi đó, người ấy thoát khỏi địa ngục".

Vậy việc nhắc nhở, gợi ý của Diêm Vương là nhân, việc nhớ được thiện nghiệp của mình là quả. Việc nhớ lại được thiện nghiệp của mình là nhân, việc thoát khỏi địa ngục ấy là quả.

PHÂN LOẠI CỦA VÔ GIÁN ĐỊA NGỤC

Việc phân tích tội lỗi chúng sanh rơi trong Địa ngục:

1) Vua chúa, Đại thần và kẻ có quyền lực, nhiều thân lực, tài sản lực, uy lịnh lực, khi còn làm người, não hại người thấp kém hơn mình một cách phi pháp, hoặc là bọn Đạo tặc cướp phá xóm làng, chỉ đến giết người gom lấy tài sản rồi tẩu thoát. Hạng người nói trên, sau khi chết phần nhiều rơi vào địa ngục Sañjiva thọ khổ.

2) Người nào não hại, sát hại Tỳ khưu, Sa di, Đạo sĩ, hay Đao phủ thủ có nhiệm vụ giết người. Chư Tỳ khưu, Sa di, kẻ ác giới vô liêm sỉ (Ālajjī). Những hạng người này sau khi chết phần nhiều đọa vào cảm thọ khổ trong địa ngục Hắc-thằng, hoặc người nào giết cha, giết mẹ cũng đọa vào địa ngục Hắc- Thằng để thọ khổ cũng có. (Thuyết trong bổn sanh Saṅkicca).

3) Người chuyên huấn luyện voi, ngựa, bò, trâu ... hay người não hại chúng sanh (bàng sanh) của mình có được, để tạo lợi ích riêng, với sự không có tâm từ ấy, thương sót. Hay người săn bắn chim thú ... những người như thế, sau khi chết phần nhiều thọ sanh vào địa ngục Saṅkhāta- Chúng hiệp- để thọ khổ.

4) Hạng ngư phủ, kẻ phá rẩy rừng, đốt rừng nơi có chúng sanh nương sống, hoặc người giam cầm chúng sanh như chim ... Rồi mang đi sát hại, người uống rượu say để hãm hại người khác. Những hạng người này, sau khi chết phần nhiều rơi vào địa ngục Cuḷaroruva - Tiểu khiếu hoán.

5) Người trộm tài sản của cha mẹ, thầy tổ, hoặc trộm của Tỳ khưu, Sa di, Đạo sĩ, người có giới, khiến cho họ gặp khó khăn hoặc trộm vật tôn thờ mà thí chủ dâng cúng cho Tam-bảo, hoặc lường gạt lấy đồ của người, và người trộm cắp một trong 25 cách trộm cắp. Những người này, sau khi chết phần nhiều rơi vào cảm thọ khổ trong địa ngục Mahāroruva - Đại khiếu hoán.

6) Người đốt liêu cốc, Chánh điện, Tịnh xá, Giảng đường, đền Đài, làng xóm, pháp hủy Tháp, Miếu, sau khi chết đọa vào địa ngục Cūḷatāpana - Tiểu viêm nhiệt.

7) Người có suy nghĩ: "Chánh pháp không tốt đẹp, không có cốt lõi lợi ích chi cả, còn phi pháp thì lại nghĩ là tốt đẹp, có cốt lõi. Hoặc người có đoạn kiến, tức nghĩ rằng chết là hết không tái sanh lại nữa, và người có thường kiến, tức là chấp rằng khi làm chó, làm người nghèo, làm người giàu, làm Chư Thiên, làm Phạm Thiên ... rồi sẽ tái sanh trở lại là chó, là người nghèo, là người giàu, là Chư Thiên, là Phạm Thiên y như cũ, không thay đỗi. Và người nào có vô hữu kiến, tức nghĩ rằng hành thiện như trì giới, tu tiến, trau dồi Chánh kiến... chẳng có quả báu chi cả. Việc ác như sát sanh, trộm cắp... cũng chẳn có tội chi cả. Người có vô nhân kiến như là nghĩ rằng: làm người, làm thú, làm người giàu, người nghèo, có sắc tốt, sắc xấu, trường thọ, yểu tử, hữu bịnh, vô bịnh, thông minh hay ngu dốt... đều là tự nhiên có, không có nguyên nhân chi cả. Hay người nào có vô hành kiến, tức là: chúng sanh làm điểu gì cũng đều không có quả báu, sự sống đây cũng không có nhân, và người khuyến dụ người tin theo tà kiến của mình. Những hạng người ấy, sau khi chết đọa vào địa ngục Mahātāpana hoặc Vettaraṇī ussadanaraka - Đại viêm nhiệt hoặc Địa ngục huỳnh tuyền - tuỳ theo nghiệp mà mình đã tạo nhiều hay ít.

8) Người giết cha, mẹ, A La Hán, chích huyết thân Phật, chia rẽ Tăng chúng, người pháp hủy Tháp thờ Xá Lợi, tượng Phật, cội Bồ Đề chỗ giác ngộ của Ngài bằng tâm hung ác, và người chỉ trích Tăng, bậc Thánh, người có Ân đức hơn mình. Người chấp thủ nhất định ba ác kiến là vô nhân, vô hữu, vô hành kiến. Hạng người như thế, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián hay địa ngục Đồng Hoạch đa khổ, tùy theo nghiệp đã tạo nhiều hay ít.

Người nữ tự phá thai, sau khi chết đoạ vào địa ngục huỳnh tuyền đa khổ. (Bổn sanh Saṅkicca).

9) Người nữ thích giao tình, giật chồng kẻ khác. Nam nhân thích giao tình, giật vợ kẻ khác. Những người nam, nữ ấy sau khi chết, đọa vào Địa ngục Châm thụ lâm đa khổ. Sau đó còn phải thọ khổ trong Địa ngục Đồng hoạch có nước nóng như lửa, tùy theo nghiệp đã tạo nhiều hay ít. (Bổn sanh Saṅkicca).

10) Lại nữa, Đức Thế Tôn đã thuyết trong bổn sanh Nemirāja rằng: " Người nam hay nữ nào thích giao tình, với vợ hay chồng của kẻ khác. Sau khi chết nhất định phải thọ khổ trong Địa ngục Chúng hiệp hoặc địa ngục Khanh thán, tức địa ngục Hố than hừng".

Địa ngục hố than hừng

Vấn: Chúng sanh trong địa ngục này đã tạo ác nghiệp gì mà phải chịu la khóc, rên xiết trong đống than hừng vậy?

Đáp: Thiên tử Mātalī đáp rằng: các chúng sanh này thường lừa gạt tài sản của quần chúng. Tức là họ đã phát động gom góp tài sản của dân chúng, tuyên bố rằng sẽ sửa chữa, tu bổ, xây dựng vật bất động (thāvaravatthu), rồi hối lộ cho người Trưởng ban lấy các tài sản ấy cho riêng mình. Sau đó, nói dối rằng: Thu được chừng này, chi tiêu chừng này. Và họ đã rơi vào tình trạng nợ Đại chúng. Do ác nghiệp trên, nên phải chịu la khóc, rên xiết trong đống than hừng.

Địa ngục sông tro trấu

Vấn: Các chúng sanh này đã tạo ác nghiệp gì, mà khi uống nước, nước ấy trở thành trấu?

Đáp: Các chúng sanh ấy đã ác hành không thanh tịnh, bán lúa trộn với trấu, cát, đất ... cho người mua. Nên đọa vào Địa ngục này, có sự nóng bức hơn lửa cháy, khi khát nước, muốn uống nước thì nước ấy trở thành trấu.

Địa ngục thịt

Vấn: Đức vua Nemi nhìn thấy các chúng sanh địa ngục bị quỉ sứ trói cổ bằng dây sắt cháy đỏ, rồi đặt nằm trên nền sắt cháy đỏ, đánh đập bằng các loại vũ khi, một nhóm khác thì bị quỉ sứ chặt ra thành từng mãnh. Ngài bèn hỏi Thiên tử Mātalī rằng: các chúng sanh này đã tạo nghiệp gì mà phải bị như thế?

Mātalī đáp rằng: Các chúng sanh này đã tạo ác nghiệp là giết dê, giết heo, giết cá ... sau khi giết xong, đã đem đặt bán tại các sạp, tiệm bán thịt hay các quầy bán khác. Do ác nghiệp trên mới bị chặt thành đống, thành từng miếng.

Địa ngục phân nước tiểu

Vấn: Đức vua Nemi nhìn thấy chúng sanh trong địa ngục đang ăn phẩn và nước tiểu, nên hỏi rằng: Các chúng sanh đã tạo nghiệp gì mà phải thọ khổ như thế? Phải dùng phẩn và nước tiểu làm vật thực?

Đáp: Thiên tử Mātalī đáp rằng: các chúng sanh này gây đau khổ não hại bạn bè ... thường sống não hại kẻ khác. Do ác nghiệp não hại bạn bè như thế, nên phải ăn phẩn và nước tiểu.

Địa ngục lưỡi câu

Vấn: Các chúng sanh Địa ngục, bị quỉ sứ lấy lưỡi câu sắt đang cháy đỏ to bằng thân cây thốt nốt móc lưỡi và thân, đặt nằm trên nền đồng cháy đỏ, trồi lấy móc sắt móc da, ví như móc da bò vậy. Các chúng sanh Địa ngục ấy không thể chịu đựng đau đớn nên đã cùng nhau vẫy vùng trên đất và la hét rên khóc. Đức vua hỏi rằng: các chúng sanh Địa ngục này đã tạo ác nghiệp gì?

Đáp: Khi còn là người, các chúng sanh ấy là người chuyên nghề đánh giá đồ vật, do nhận hối lộ của người mua nên cho giá mua thấp đối với vật có giá trị cao, giúp người mua được lợi nhiều, tạo nghiệp gian trá bởi có lòng tham, che đậy sự gian trá bằng lời dịu ngọt, ví như người dụ các bằng mồi ngon khéo móc vào lưỡi câu và giết chết cá vậy. Do tạo ác nghiệp như thế nên các chúng sanh phải chịu khổ là bị móc bằng lưỡi câu như thế.

Nói về sự thọ khổ cùng tội lỗi trong địa ngục Pahāsa.

Trong cõi nhân loại, người thường múa vũ, hoặc trình diễn ca kịch với nhiều các thức, sống say mê ngũ dục, biểu diễn độc tấu cũng có, khóc cũng có, cười cũng có, ca hát cũng có, vũ múa cũng có, từ tiết mục mà mình trình diễn làm cho khán giả phát sanh sự hân hoan, ưu sầu cũng có, có lúc phát sanh sự vui thích hấp dẫn quá đến quên mình, chỉ say mê lắng nghe hoặc xem nhân vật đang diễn xuất trước mặt khán giả, những người như thế, sau khi chết đọa vào Địa ngục Pāhāsa. Khi đang thọ khổ trong Địa ngục ấy giống như đang nhảy múa, ca hát vậy.

Chú giải Người và Cõi, Chương IV Quyển I
Tỳ khưu Thiện Phúc dịch

Bài trước: Lời dạy của Đức Phật
Tags: transform

2 Comments

Tin liên quan

    Hôn nhân

    Suy ngẫm