Sự tích về chú mèo dụ khách ở Nhật Bản

Photo courtesy Kouran
Maneki Neko (Chiêu tài miêu, hay mèo 'vẫy gọi', mèo may mắn, mèo dụ khách v.v...) là một loại tượng phổ biến ở Nhật, thường được làm bằng gốm và được cho là mang lại may mắn cho chủ nhân của nó. Đó là hình tượng một chú mèo đang vẫy gọi bằng một chân trước, thường được đặt ở cửa ra vào ở các của hàng, nhà hàng, cửa hàng trò chơi điện tử và các dịch vụ kinh doanh khác. Vài loại tượng Maneki neko điện tử có gắn pin ở bên trong có thể vẫy chân chầm chậm để mời mọc khách. Ngoài ra hình tượng Maneki Neko còn được dùng để làm móc khóa, ống tiết kiệm (piggy bank), máy làm sạch không khí...

Maneki Neko thường được làm bằng gốm. Tuy nhiên nó cũng có thể được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau từ nhựa, đến gỗ, giấy bồi cho đến đất sét. Một số tượng Maneki Neko đắt tiền có thể làm bằng vàng. Còn loại chuyển động được đa phần làm từ nhựa.

Màu sắc phổ biến nhất của mèo là màu trắng, sau đó là màu đen và màu vàng, thỉnh thoảng cũng có mèo màu đỏ. Một số người cho rằng mèo trắng mang lại may mắn nói chung, mèo đen cho sức khỏe, và mèo vàng mang lại tiền tài.

Đối với người phương Tây, điệu bộ của Maneki Neko giống như đưa chân lên xuống hơn là vẫy tay ra hiệu. Điều này cũng giống như người Việt Nam muốn gọi ai đó thì úp lòng bàn tay xuống khi ra hiệu muốn ai đó đi về phía mình, trong khi người phương Tây lại ngửa lòng bàn tay lên.
Photo courtesy Jules Antonio

Đôi khi Maneki Neko còn được làm vẫy chân trái hoặc cả hai chân trước. Người ta tin rằng vẫy chân trái sẽ rước được nhiều khách hàng, còn vẫy chân phải sẽ mang lại may mắn và tài lộc; hoặc một diễn giải khác là chân trái thu hút tiền, còn chân phải bảo vệ số tiền này. Có những diễn giải khác nữa như mèo giơ chân trái là cho các cửa hàng rượu, bia, đồ uống, còn mèo chân phải là cho các cửa hàng khác (những người uống rượu tốt gọi là 'thuận tay trái' hay 'hidari-kiki' trong tiếng Nhật. Cũng có ý kiến khác nữa là mèo giơ chân trái là cho gia đình, còn mèo giơ chân phải là cho kinh doanh. Mọi người tin rằng, chân giơ càng cao thì tài lộc càng nhiều, hay càng cao thì tài lộc ở rất xa mèo cũng thu hút được.

Maneki Neko thường có vài thứ trang trí ở xung quanh cổ, có thể là khăn quàng cổ, nhưng thông dụng nhất vẫn là vòng cổ, chuông và yếm để trang trí, bắt nguồn từ trang phục phổ biến cho mèo trong các hộ gia đình giàu có trong thời kỳ Edo.

Maneki Neko đôi khi được thể hiện cầm một đồng tiền vàng cổ của Nhật Bản (được gọi là koban), được sử dụng trong suốt thời kỳ Edo. Một đồng koban có giá trị một ryō (両, lượng), một Maneki Neko điển hình giữ một đồng vàng koban trị giá mười triệu lượng (千万両, thiên vạn lượng). Trong tiếng Nhật, tục ngữ 'koban to cats' (猫に小判 neko ni koban?) gần giống với câu 'pearls before swine' trong tiếng Anh, nghĩa là 'đàn gảy tai trâu' (tiếng Việt).

Có rất nhiều câu chuyện gắn liền với lịch sử ra đời của mèo dụ khách, dưới đây là 5 sự tích phổ biến:

1/ Vào đầu thời kỳ Edo, ngôi đền Gōtoku-ji (ở Setagaya, Tokyo) là nơi tu hành của một vị thiền sư rất nghèo khổ và con mèo của mình tên là Tama. Một ngày nọ, lãnh chúa Ii Naotaka sau khi đi săn về gặp cơn mưa lớn liền trú vào dưới tán cây gần ngôi đền đó. Đột nhiên, vị lãnh chúa nhìn thấy một chú mèo ngồi trước cửa đền, đang vẫy gọi mình bước vào bên trong. Quá ngạc nhiên, Ii Naotaka tiến lại gần chú mèo. Ngay khi ông vừa rời khỏi gốc cây thì cái cây bị sét đánh đổ sập xuống. Biết ơn chú mèo ấy, Ii Naotaka đã quyết định bảo trợ ngôi đền, xây sửa đền khang trang hơn. Sau khi Tama chết, chú mèo được chôn cất với nghi lễ như thần thánh và bức tượng Maneki neko đầu tiên ra đời để tưởng niệm chú, trở thành một vật cầu may của người Nhật.
Photo courtesy DORONKO

2/ Mèo ở ngôi đền Imado, phía Đông Tokyo. Tương truyền, một người phụ nữ già nghèo khổ buộc phải bán chú mèo của mình vì thiếu tiền. Trong giấc mơ, người phụ nữ mơ thấy chú mèo bảo bà hãy làm những bức tượng mèo hình đất sét đem bán. Người phụ nữ thực hiện y như vậy và quả nhiên những bức tượng bán rất chạy, mang lại cho bà sự giàu có. Ngày nay, nếu đến đền Imado, bạn vẫn thấy hai bức tượng mèo lớn, một đực, một cái cùng vẫy mọi người qua lại.

3/ Chú mèo đi lạc: Chủ một cửa hàng nghèo khó mang một con mèo đi lạc và đói rét vào trong nhà nuôi dù ông không có đủ thức ăn cho chính bản thân mình. Để đền ơn, chú mèo ra bên ngoài cửa hàng và vẫy gọi du khách mới, mang lại sự thịnh vượng cho ông chủ tốt bụng. Sau đó, 'chú mèo vẫy gọi' đã được coi là biểu tượng may mắn của các chủ cửa hàng nhỏ. (ND: đây cũng là sự tích langdu và các bạn trẻ Việt Nam được biết qua chuyện chú mèo máy Doraemon).

4/ Mèo cảnh báo: Một ngày, lãnh chúa Oda Nobunaga đi trên đường và thấy một chú mèo dường như đang vẫy gọi mình. Oda Nobunaga dừng lại và đi đến chú mèo. Vừa ra khỏi đường, ông nhận ra là đã tránh được một cái bẫy ở phía trước. Kể từ đó, mèo được coi là biểu tượng của trí thông minh và s may mắn. Nhiều ngôi đền và nhà ở Nhật Bản có đặt một bức tượng mèo nhỏ với một chân giơ lên như đang vẫy, được coi là nguồn gốc của maneki-neko, thường được nhắc đến như là kami-neko để đề cập tới thần hay linh hồn của mèo.

5/ Mèo bị chặt đầu: Một geisha trẻ tên là Usugumo, sống trong Yoshiwara ở phía đông Tokyo, có một con mèo, và rất yêu quý nó. Một ngày nọ, bạn của cô, một kiếm sĩ, tới thăm. Con mèo đột nhiên phát điên, cào mạnh liên tục kimono của geisha. Tưởng rằng mèo đang tấn công Usugumo, kiếm sĩ vung kiếm, chặt đầu con mèo. Đầu của mèo bay lên không trung, sau đó gắn chặt răng của nó vào và giết chết một con rắn độc ở trên xà nhà, nơi nó đang phục để cắn người phụ nữ. Về sau, Usugumo đau khổ bởi cái chết của con mèo mà cô yêu quý, trở nên mất ăn mất ngủ. Kiếm sĩ cảm thấy tội lỗi và buồn cho geisha. Ông đã gặp một thợ khắc tượng 'tốt nhất trong vùng' và khắc tượng của con mèo, một chân giơ lên vẫy chào. Hình ảnh con mèo này, sau đó trở nên phổ biến như maneki-neko. Khi ông mang tượng cho Usugumo, cô rất vui mừng, và sống vui vẻ trở lại thay vì đau khổ.

Sơn Phạm (Wikipedia English)

Tags: japan

1 Comments

Tin liên quan

    Hôn nhân

    Suy ngẫm