Ném bùn ven sông



Các mưu hèn kế bẩn nơi công sở, cơ quan, công ty, tổ chức của người lớn đôi khi rất giống hoặc thậm chí là sự mô phỏng của trò chơi trẻ em.

Ví dụ khi thấy một ai đó khá hơn về tư duy, giỏi hơn về công việc, tiến bộ hơn về nhận thức…những người còn lại thường kết thành một nhóm và tiến hành cô lập hoặc tấn công người đó bằng mọi cách. Trong các cách thì cách “ném đá giấu tay” là hay được dùng và hiệu quả nhất. Ví dụ người ta sẽ đặt điều, đơm đặt những chuyện xấu xa về người đó và rỉ tai nhau tạo ra tin đồn. Cũng có khi không cần tốn công thế, họ sẽ bảo luôn là “dư luận” nói như thế.

Mục đích chính của chiêu thức này là làm cho người tiến bộ hơn kia phải chậm lại, lùi lại ở cùng một tọa độ với họ, làm theo cung cách của họ, nghĩ như họ.

Ngẫm ra thấy chiêu trò này khá giống một trò chơi của lũ trẻ chúng tôi hồi nhỏ. Tôi không biết trò chơi này có tên là gì nên tự đặt đó là trò chơi “ném bùn”.

Đó là khi đi tắm ở sông, ngòi mà thằng nào thấy lạnh, thấy oải, bị người nhà gọi phải “lên bờ” tức là muốn ra khỏi nước mặc quần áo về trước thì lũ còn lại sẽ móc một cục bùn hoặc đất nhão ném vào người thằng đó. Thế là thằng đó phải xuống nước tắm lại. Cứ thế, liên tục, thằng đó không bao giờ mặc được quần áo.

Cái dã man của trò này là cả lũ ném nên khó biết chính xác là thằng nào. Thằng trên bờ trừ phi là đại ca thì may ra thoát. Có thằng bị dồn vào đường cùng khóc òa. Lắm khi tiếng khóc kích thích bọn trẻ, khóc chúng vẫn không tha, tiếp tục ném tiếp.

Thực ra nếu thằng lên trước mà là thằng…liều hay can đảm thì có giải pháp ngay. Đó là nhặt gạch, đá ở trên đường ném vào mấy thằng dưới nước thì chúng nó hãi ngay. Ở trên bờ có lợi thế vì nhiều gạch, đá hơn. Mấy thằng dưới nước sẽ phải phải lặn ngay xuống nước chuồi ra xa thoát thân.

Nhưng thói đời đám đông toàn chọn kẻ yếu để bắt nạt chứ mấy khi dám động vào thằng nào là đại ca hay có máu liều đâu.

Không rõ các bác ở quê khác có chơi trò này không?

shared from Facebook Nguyen Quoc Vuong,

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc